Triết lý và phương pháp giảng dạy

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC THEO TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
“TỰ ĐÀO TẠO – HỌC TẬP SUỐT ĐỜI”

GIỚI THIỆU

Với việc toàn cầu hóa tri thức và giáo dục, kiến thức, kỹ năng cùng với thực hành kỹ năng luôn là các lĩnh vực song hành cùng nhau. Học tập suốt đời sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người để có thể chống chọi được với những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước. Có rất nhiều phương pháp giảng dạy được áp dụng trên thế giới để cùng hướng tới mục tiêu giáo dục. Mong muốn của cả xã hội và những người làm công tác giảng dạy là làm thế nào để chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả nhất để kỹ năng học tập, khả năng nghiên cứu, khám phá của một con người được hình thành sớm nhất, phục vụ cho tương lai một cách hữu ích nhất.
Nhà bác học Einstein đã từng nói: “Nếu như tưởng tượng rằng những gì chúng ta biết là một hình tròn thì những gì ngoài vòng tròn đó thật lớn biết bao”. Một trong những điều quan trọng nhất mà giảng viên khoa Kinh tế đối ngoại (KTĐN) luôn tâm huyết là giúp sinh viên thân yêu biết cách áp dụng kiến thức và kỹ năng để đón nhận những thách thức nghề nghiệp của tương lai.

TRIẾT HỌC GIÁO DỤC
Chúng ta thường nghe nói rằng phương pháp giảng dạy của các trường đều giống nhau khoảng 90% và chỉ khác nhau khoảng 5-10%. Điều này có nghĩa là các trải nghiệm lớp học hàng ngày là tương tự nhau và mỗi trường có thể có một hoặc vài sáng kiến tạo nên sự khác biệt.
Tập thể giảng viên khoa KTĐN đã luôn thách thức với quan điểm này, từ đó tạo động lực để các giảng viên luôn sáng tạo, sáng tạo không ngừng để duy trì và khẳng định mình.
Nếu xem xét ở một khía cạnh rộng hơn, mục đích của giáo dục có thể được định nghĩa là chuẩn bị cho sinh viên cuộc sống trong tương lai. Những câu hỏi sẽ phải trả lời: Loại cuộc sống như thế nào? Ở đâu? Để đạt được những điều gì? …. Một chương trình giáo dục tốt có thể bao gồm các nghiên cứu về kinh nghiệm liên quan đến sự phát triển cá nhân, trí tuệ, xã hội, thể chất và tinh thần; công việc.
Vì vậy, một triết lý giáo dục rõ ràng giúp xác định và làm rõ niềm tin, giá trị và sự hiểu biết của người học hoặc xã hội đối với chương trình giáo dục. Cụ thể:
  • Xác định và chỉ đạo các mục tiêu và các vấn đề trọng tâm của một chương trình giáo dục.
  • Truyền cảm hứng và định hướng lập kế hoạch, chương trình và quy trình giáo dục trong bất kỳ môi trường nào.
  • Ảnh hưởng đến những môn học hoặc chủ đề được dạy, cách tổ chức giảng dạy và có lẽ quan trọng hơn là niềm tin và giá trị về chương trình giáo dục

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC

Để chuyển tải được triết lý giáo dục vào hoạt động giảng dạy và học tập, các giảng viên khoa KTĐN chú trọng hoạt động TỰ HỌC của sinh viên. Bên cạnh đó, bốn quy luật cốt lõi được duy trì trong quá trình dạy và học giúp sinh viên tự tích tuỹ kiến thức, ngày càng làm chủ kiến thức và không ngừng tự mình phát triển kiến thức.
“ĐỐI THOẠI LÀ GIẢNG DẠY. THAM GIA LÀ HỌC TẬP. KHÁM PHÁ LÀ
SỰ TĂNG TRƯỞNG. VÀ ỨNG DỤNG LÀ KIẾN THỨC”


 
Hình 1: Quy trình tổ chức giảng dạy và học tập 
Nguồn: Khoa KTĐN (2017)


Sinh viên được hướng dẫn đầy đủ các thông tin về hoạt động dạy, học đánh giá ngay từ lúc bắt đầu môn học, mỗi một buổi học sinh viên đều được hướng dẫn tự học, tự đánh giá, tự đặt vấn đề như hình 1 dưới sự hỗ trợ, giám sát của GV. Từng bước tự học của sinh viên đều phải được đánh giá, phản hồi và cải thiện.


ĐẶC ĐIỂM MỘT NGƯỜI GIẢNG VIÊN CÓ NĂNG LỰC TỐT
Hiểu rõ ràng mục tiêu của môn học.
Bạn là một người sáng mắt, thật đơn giản bạn nhìn thấy rõ ràng hình dạng của một con voi. Nhưng sinh viên của bạn lại là những ông thầy bói mù, chưa từng được đào tạo qua về kỹ năng sư phạm, cũng không hề biết đến những kiến thức chuyên môn sâu, cũng như những kinh nghiệm học tập (nếu sinh viên biết những điều này thì chắc là chúng ta sẽ thất nghiệp đấy). Làm thế nào để học những ông thầy bói mù ấy có thể miêu tả được một con voi hoàn chỉnh? Đơn giản hơn, khi bạn đang trên một chặng hành trình hoàn toàn mới mẻ, làm thế nào để biết được rằng bạn đang đi đúng hướng? Bạn sẽ sử dụng các biển hiệu chỉ dẫn hay một tấm bản đồ (mặc dù ngày nay bạn có thể sử dụng GPS, nhưng thỉnh thoảng Google Map vẫn chỉ đường sai, hoặc không hiệu quả). Trong giáo dục, mục tiêu giống như một tấm biển chỉ đường trong chặng hành trình đó. Giáo án chính là tấm bản đồ. Việc lập kế hoạch một cách chi tiết không hề làm giảm đi sự sáng tạo ở người học mà ngược lại nơi đó sự sáng tạo đã được dự đoán, nuôi dưỡng, khuyến khích và có cơ hội được thăng hoa.
Luôn làm việc hướng đến mục tiêu lâu dài.
Chúng ta sẽ không thể có một khả năng siêu nhiên làm việc với nguồn năng lượng dồi dào vào mọi thời điểm. Đôi khi cuộc sống cũng có những thú vui bình dị và những điều tẻ nhạt, chán ngắt. Người giảng viên hiệu quả luôn nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh và có thể biến những khó khăn, sự tẻ nhạt thành điều bình thường vì đôi mắt của họ đâu chỉ nhìn vào những chông gai trước mắt.
Có thể sống, làm việc miệt mài mà không cần phải có sự đáp trả ngay lập tức.
Không có gì tồi tệ hơn là khi bạn thức trắng đêm để soạn một giáo án, hay tìm mọi cách để có được tình cảm của sinh viên, nhưng khi kết thúc buổi học các em bước ra khỏi lớp một cách vội vàng, không một nụ cười hay một câu nói như “tiết học hay quá chúng mày ạ!”. Thật khó để có thể tâm huyết 100% khi mà không nhìn thấy được kết quả. Những gỉang viên tin tưởng vào hiệu quả “mì ăn liền” sẽ ngay lập tức bị thất vọng và vỡ mộng. Học tập, các mối quan hệ và giáo dục là sự kiên trì bền bỉ giống như chăm sóc một khu vườn. Nó sẽ tốn thời gian, mất công sức, bạn phải cả bàn tay và khối óc để nuôi lớn nó.
Biết rõ khi nào cần lắng nghe học trò khi nào không cần thiết phải làm điều đó.
Cùng với những phẩm chất ở trên là quan niệm về khả năng thấu hiểu những phản hồi từ phía sinh viên. Một giảng viên – người mà không bao giờ lắng nghe sinh viên sẽ hoàn toàn thất bại. Nhưng một giảng viên mà luôn sẵn sàng nghe tất cả những gì người học nói cũng thất bại không kém. Thật không đơn giản để có thể biết được khi nào thì nên lắng nghe và chia sẻ với sinh viên, còn khi nào thì bắt buộc phải nói “Không – tôi vẫn sẽ làm như vậy vì tôi là giảng viên và tôi biết điều mà tôi đang làm”.
Thái độ tích cực.
Thái độ tiêu cực sẽ giết chết sự sáng tạo và là mảnh đất nuôi dưỡng sự sợ hãi và thất bại. Một giảng viêncó năng lực luôn duy trì trạng thái tích cực, luôn có nguồn năng lượng và họ nhìn quá khứ giống như điểm tựa cho mục tiêu quan trọng nhất. Cảm xúc tích cực là khởi nguồn của sáng tạo.
Tin tưởng vào sự thành công của người học.
Quan điểm này dường như cũng là mong muốn của cha mẹ. Sinh viên cần một ai đó tin tưởng chúng. Chúng cần một người uyên bác và am hiểu luôn đặt niềm tin ở sinh viên. Hãy đặt cho sinh viên những mục tiêu cao, thậm chí là những thử thách, hãy tạo ra một môi trường an toàn cho sinh viên được THẤT BẠI. Điều này sẽ tạo động lực khiến sinh viên luôn cố gắng đến khi sinh viên đạt đến sự kì vọng mà bạn đã đặt ra.
Một chút hài hước.
Sự hài hước và hóm hỉnh tạo nên ấn tượng mạnh. Nó giảm đi sự căng thẳng và cảm giác thất bại, và cho mọi người cơ hội để hướng đến những điều tốt đẹp. Nó cho chúng ta những cái nhìn mới từ quan điểm của một người khác. Nếu bạn phỏng vấn 1.000 sinh viên về điều mà chúng yêu thích từ thầy cô của chúng, tôi cá là 95% trong số sinh viên sẽ chọn các gỉang viên “hài hước”.
Luôn khen học sinh một cách có hiệu quả.
Sinh viên cần sự khuyến khích, điều đó đúng, nhưng đó thực sự phải có lí do chính đáng. Sẽ là phản tác dụng, nếu như giảng viên khen sinh viên trong khi chúng chỉ hoàn thành có 50% công việc so với khả năng thực sự của chúng. Chúng ta không muốn tạo ra một môi trường ở đó không có sự khen thưởng hoặc thừa nhân; giảng viên muốn tạo ra một môi trường nơi mà lời khen thưởng bạn đưa ra thực sự có giá trị bởi vì bạn sử dụng nó trên cơ sở những đánh giá thực sự và cẩn trọng.
Biết vượt qua thử thách.
Có một câu thành ngữ “những người nỗ lực trong cuộc đua hơn người khác dù chỉ một chút là những người biết được một người bình thường có thể chạy như thế nào”. Vượt qua thử thách là một phần của công thức đưa đến thành công. sinh viên của bạn cần được nhìn thấy bạn đã cố gắng trải nghiệm những điều mới mẻ trong lớp học và chúng sẽ quan sát bạn đang chuyển hóa thất bại trong quá trình bạn kiên nhẫn vượt qua khó khăn. Điều này cũng quan trọng như chính công việc giảng dạy của bạn vậy.
Luôn kiên định và thống nhất.
Sự kiên định và thống nhất không đồng nghĩa với việc “cứng nhắc”. Kiên định nghĩa là bạn sẽ làm tất cả những gì mình đã nói và đã hứa, bạn đừng bao giờ tự ý thay đổi một cách bừa bãi những nội quy của lớp học theo trạng thái cảm xúc, đừng dễ dãi bỏ qua việc một sinh viên không làm bài tập về nhà chỉ vì nó là một sinh viên giỏi và bạn yêu quý sinh viên đó. Nếu bạn làm điều đó, sinh viên của bạn rất nhanh chóng nhận ra cơ hội để dựa dẫm và trì hoãn mệnh lệnh của bạn. Còn những giảng viên cứng nhắc là những người cố tình duy trì các phương pháp, nội quy mà nó có thể đã lỗi thời, lạc hậu, họ cố tình ngụy trang nó bằng sự ngoan cố của chính họ.
Luôn tự suy ngẫm.
Để tránh trở thành một người ngoan cố và cứng nhắc, những giảng viên có năng lực luôn dành thời gian để suy ngẫm về những phương pháp dạy học của mình, về cách thức truyền đạt kiến thức đến người học và cả cách mà họ đã giao tiếp với học sinh. Sự suy ngẫm là điều vô cùng cần thiết để nhận ra những điểm yếu của bản thân và sửa chữa nó dựa trên sự hiểu biết.
Tự tìm cho chính mình những người thầy.
Một giảng viên biết suy ngẫm sẽ dễ dàng cảm thấy nản lòng nếu họ không có một người có kinh nghiệm, uyên bác hỗ trợ. Không cần thiết đó là những người già, bất cứ đồng nghiệp hoặc ai đó có năng lực hơn bạn, họ chính là một người thầy của bạn. Những người thầy có thể là người luôn nói rằng “Vâng, những suy ngẫm đó là hoàn toàn chính xác” hoặc “Không, bạn không hề thất bại bởi vì…” và đưa cho bạn những cách nhìn mới lạ từ nhiều góc độ khác nhau.
Yêu công việc của mình.
Thật dễ dàng để nhận ra một người giảng viên yêu nghề. Họ dường như có một nguồn năng lượng với sức lan tỏa bất tận. Thậm chí những phép tính khô khan cũng trở nên sống động. Nếu bạn không yêu công việc, yêu môn học của bạn, sẽ không thể nào tạo nên sự đặc biệt trong tiết dạy như vậy. Hãy cố gắng tìm ra lí do tại sao bạn lại không có động lực và không có nguồn cảm hứng. Nó có thể là sự nhàm chán của môn học, nhưng nó có thể xuất phát từ sự kì vọng quá nhiều của bản thân. Hãy nhìn nhận và đánh giá nó một cách cẩn thận, có thể sẽ tìm lại được tình yêu đối với việc giảng dạy sẽ quay trở lại với bạn.
Đáp ứng nhu cầu của người học.
Lớp học giống như một thực thể sinh động có mối liên quan mật thiết với nhau. Hãy tạo nên sự liên kết giữa mục tiêu học tập của học sinh và mục tiêu của bạn và bạn sẽ không có những rắc rối liên quan đến sự thay đổi.
Chào đón những thay đổi đến với lớp học.
Điều này có liên quan đến những phẩm chất ở trên, nhưng nó vẫn có những điểm khác biệt. Đã bao giờ bạn cảm thấy nhàm chán với chính căn nhà, phòng ngủ của bản thân, hãy sắp xếp lại chúng, bạn cảm thấy như có một ngôi nhà, một phòng ngủ mới. Hãy làm tan chảy bộ não của mình bằng những ý tưởng mới và đầy phiêu lưu. Thay đổi lớp học của bạn và duy trì chúng trong trạng thái tràn đầy năng lượng. Những thay đổi đơn giản như sắp xếp lại bàn làm việc, lịch trình,…điều đó sẽ đem lại một nguồn sinh khí mới ngay ở thời điểm nhàm chán nhất của năm học.
Thường xuyên tìm hiểu những phương tiện dạy học mới.
Trong thời đại công nghệ cao, có rất nhiều công cụ và nguồn tài nguyên phục vụ cho việc giảng dạy của bạn. Không còn nghi ngờ gì nữa rất nhiều sinh viên trong lớp của bạn cũng đã biết và sử dụng chúng trong khi là một gỉang viên bạn lại hoàn toàn cảm thấy nó xa lạ. Đừng lo lắng, hãy mạnh dạn sử dụng những ứng dụng của công nghệ vào lớp học. Bạn có thể sẽ viện ra đủ các lí do, nào là không có đủ kinh phí, nào là không có thời gian. Nhưng sinh viên của bạn đang lớn lên từng ngày và mỗi hơi thở trong cuộc sống của chúng được bao bọc bởi công nghệ. Hãy chuẩn bị cho học sinh những hành trang từ chính lớp học ngày hôm nay trước khi chúng bước ra cuộc đời.
Sinh viên có cảm giác được lắng nghe và chia sẻ.
Có những thời điểm khi sinh viên của ban sẽ cần đến sự hỗ trợ của bạn về mặt tình cảm hơn là kiến thức môn học. Hãy cố gắng giao tiếp và chia sẻ với người học, hãy biến mình trở thành một chuyên gia tâm lí thậm chí là nơi gửi gắm niềm tin, là chỗ dựa về mặt tinh thần, là nơi sinh viên cảm thấy an toàn, được lắng nghe và được chia sẻ bằng trái tim.
Thoải mái trước những điều không dự đoán trước.
Bạn cảm thấy như thế nào khi bạn bị cứng họng trước câu hỏi của sinh viên? Điều này rất bình thường, bạn phải quen với việc chúng ta không thể biết tất cả mọi thứ. Một giảng viên có năng lực luôn nhận thức được rằng những gì mình biết chỉ là một phần tri thức là mênh mông, và họ vẫn thoải mái đón nhận những điều góp ý, chia sẻ từ sinh viên và khiêm tốn cùng học sinh hoàn thành tiếp công việc giảng dạy.
Không thể hài lòng 100% học sinh.
Học tập không xảy trong môi trường “chân không”. Sự khủng hoảng, tức giận, căng thẳng sẽ có những tác động đến quá trình giảng dạy. Điều quan trọng là giảng viên chú ý đến số đông sinh viên. Bạn có thể có một tiết học thú vị nhất, sáng tạo nhất nhưng nếu học sinh của bạn vừa phải đối mặt với việc cha mẹ chúng sẽ phải ra tòa di lị vào sáng nay, bạn chắc chắn không thể mong chờ em sinh viên đó sẽ tham gia nhiệt tình vào tiết học như các em sinh viên khác.
Không bao giờ dừng việc học tập.
Một giảng viên có năng lực luôn dành thời gian trong thời khóa biểu của bản thân cho việc tự học. Nó không chỉ giúp tăng kiến thức trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, nó còn giúp bạn suy nghĩ với vị trí của một sinh viên. Điều này mang đến cho bạn cách tiếp cận về quá trình học tập cái mà bạn đã vô tình quên mất khi bạn luôn luôn trong vị trí của một giảng viên
Nỗ lực phá bỏ giới hạn bản thân.
Đôi khi trở ngại lớn nhất cho sự thay đổi chính là bản thân chúng ta. Bạn đã bao giờ tự xây nên những nhà tù giam giữ những đổi mới, sự sáng tạo của bản thân minh và học sinh? Một giáo viên hiệu quả biết rằng khi nào chúng ta cần thiết phải phá chúng đi. Và tôi muốn nói là NGAY BÂY GIỜ bạn hãy làm điều đó vì bạn có thể.

Khoa Kinh tế đối ngoại