Đây là nội dung chính của Hội thảo Phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng, rà soát CTĐT của Khoa Kinh tế đối ngoại (KTĐN) diễn ra ngày 16/11/2024.
Logistic và quản lý chuỗi cung ứng: Ngành "hot" hiện nay
Logistic là ngành có nhu cầu nhân lực lớn từ thị trường lao động, điều này đã tạo sức hút cho chuyên ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng trong những mùa tuyển sinh đại học gần đây. Trong kế hoạch năm 2025, Khoa KTĐN xác định sẽ thực hiện mở CTĐT Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội đồng Trường, TS Trần Thanh Long - Phó Hiệu trưởng, các doanh nghiệp, đối tác, cựu sinh viên, sinh viên và VC-NLĐ Khoa KTĐN.
Trình bày dự thảo CTĐT, Trưởng khoa KTĐN - TS Hoàng Lâm Cường xác định rõ tính kế thừa và sự khác biệt so với chương trình của các trường trong nước đang đào tạo lĩnh vực này. Cụ thể, có 03 điểm điểm nổi bật trong CTĐT: (1) Áp dụng các công nghệ mới (IoT, AI, blockchain,....), (2) Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. (3) Tiệm cận với chương trình của các trường hàng đầu thế giới. Đồng thời, vẫn đảm bảo tính liên thông với các CTĐT hiện hữu của Khoa (Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế).
Sinh viên cần được trang bị nền tảng và khả năng tư duy
Là đơn vị có kinh nghiệm 24 năm đào tạo CTĐT Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Khoa KTĐN có cộng đồng lớn cựu sinh viên đang làm ở các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics.
Ông Trần Đăng Thái Hà - CEO Công ty TNHH Thương mại Libra Việt Nam cho rằng điều quan trọng với CTĐT Logistic và quản lý chuỗi cung ứng cần trang bị cho sinh viên khả năng liên kết kiến thức và khả năng tư duy để vận dụng vào thực tế, có thể cập nhật sự thay đổi liên tục của công nghệ. CTĐT cân nhắc tăng thêm những môn học về luật, điều rất cần thiết khi thực hiện hoạt động liên quan đến kinh doanh quốc tế.
Để đối diện với các khủng hoảng diễn ra ở cấp độ quốc gia, toàn cầu như đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng,..., Bà Đoàn Thị Tri - Trưởng phòng Vận tải đa phương thức, Công ty TTO Sài Gòn góp ý CTĐT nên có môn học giúp sinh viên biết hành động khi gặp các tình huống khủng hoảng. Còn ông Nguyễn Thanh Sang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ T.K.C đề nghị xem xét chuẩn ngoại ngữ thứ 2 với CTĐT Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, điều này xuất phát từ sự gia tăng kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều ý kiến khác của cựu sinh viên, doanh nghiệp thống nhất cao nên gia tăng các môn học trang bị cho người học khả năng phân tích, xử lý dữ liệu, liên kết cùng doanh nghiệp để tăng kiến thức thực tiễn ngành nghề, tăng cường hợp tác với các hiệp hội, trang bị các nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện dưới hình thức các khóa học ngắn hạn.
Giảng viên Khoa KTĐN, cùng đại diện các doanh nghiệp, cựu sinh viên chia sẻ và góp ý tại Hội thảo
Điều chỉnh CTĐT bậc thạc sĩ, cử nhân
Tại Hội thảo, Khoa KTĐT cũng trình bày và lấy ý kiến phương án điều chỉnh CTĐT thạc sĩ Kinh tế quốc tế, điều chỉnh chương trình đào tạo cử nhân (Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế). Ban tổ chức đã ghi nhận được nhiều đóng góp thẳng thắn, tâm huyết để tiếp tục cập nhật của đợt rà soát, điều chỉnh CTĐT này.
Tin, hình ảnh: Khoa Kinh tế đối ngoại