Góc chia sẻ Cựu sinh viên xin phép giới thiệu bài viết về câu chuyện khởi nghiệp của Ngô Ngọc Anh, một cựu sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại (K13-402), được đăng tải trên website Cafebiz. Ngọc Anh cũng từng là Phó Bí thư Đoàn Khoa Kinh tế đối ngoại. Hi vọng câu chuyện khởi nghiệp của Ngọc Anh sẽ là nguồn cảm hứng cho các ý tưởng khởi nghiệp khác của các (cựu) sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại. Chúc cho Ngọc Anh và doanh nghiệp Liên Tâm sẽ luôn tỏa sáng và thành công trong kinh doanh.
~O~
Nếu ai đó rên rỉ rằng: khởi nghiệp rất mệt mỏi, rất khó khăn, hẳn Ngô Ngọc Anh – founder của startup Liên Tâm sẽ không tin. Bởi, với cô, nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp tuyệt vời của Đồng Tháp, khởi nghiệp với Ngọc Anh là một việc gì đó tương đối giản dị, không quá dễ dàng nhưng cũng chẳng quá khó khăn.
Ở Phiên Chợ Xanh Tử Tế đầu năm 2020 để phục vụ Tết Âm lịch, gian hàng của Liên Tâm là một trong những gian hàng đắt khách nhất. Đơn giản, vì hầu hết người Việt, ai cũng có nhu cầu mua một vài nén nhang để thắp hương cúng tổ tiên và đất trời trong dịp đầu năm mới. Hơn nữa, nhìn bao bì sản phẩm của Liên Tâm còn rất đẹp mắt, nó mang lại cho khách hàng sự tin tưởng vào những gì mà startup này giới thiệu về sản phẩm của mình.
Tại gian hàng khiêm tốn những đầy nổi bật đó, có một cô chủ đang chăm chú bán hàng, mà nếu không giới thiệu, cũng chẳng ai biết đó là cô chủ nhỏ của cơ sở nhang mới nổi này tại Đồng Tháp. Với quần tây áo thun đơn giản, Ngô Ngọc Anh bán hàng còn tận tâm hơn tất cả những người bán hàng còn lại trong phiên chợ.
Trong không khí ồn ả của một phiên chợ xuân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá thú vị với Ngọc Anh về quãng thời gian 2 năm sôi nổi khởi nghiệp cùng những dự định trong tương lai của doanh nghiệp non trẻ Liên Tâm.
Khởi nghiệp kiểu ‘tuần tự nhi tiến’ của Ngọc Anh
Có thể nói, kiểu khởi nghiệp của Ngọc Anh là tương đối ‘kinh điển’ tại Việt Nam và trên thế giới.
Là người con của đất Đồng Tháp – một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp lớn mạnh sôi nổi nhất nhì đất nước, nên khởi nghiệp với người dân Đồng Tháp nói chung và với Ngọc Anh nói chung, chẳng có gì ghê gớm mà tự nhiên như ăn cơm uống nước. Thế nên, ngay từ nhỏ, Ngọc Anh đã thoáng có ý nghĩ lớn lên mình sẽ khởi nghiệp hay sẽ làm gì đó để phục vụ, xây dựng quê hương như những anh chị đi trước đã làm.
Tuy nhiên, chuyện khởi nghiệp chỉ trở nên rõ ràng và cụ thể với Ngọc Anh trong những tháng ngày làm sinh viên của khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Ngô Ngọc Anh với gian hàng Liên Tâm ở Phiên Chợ Xanh Tử Tế
"Trong một lần thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về chuỗi giá trị sen Đồng Tháp cùng các bạn ở trường đại học, tôi khám phá ra nhiều điều. Tôi nhận thấy, nếu có thể tận dụng hết nguồn phế phẩm từ vỏ gương và vỏ hạt sen vào chế biến sản phẩm gì đó thì sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho nông dân. Mỗi năm, ở Đồng Tháp, người ta thải ra tới 6.000 tấn gương sen và hạt sen phế phẩm. Ở khía cạnh khác, tôi là người không chịu được khói hương nghi ngút mỗi khi đi chùa chiền vào dịp đông người và cũng đã không ít lần trong lòng tự hỏi: tại sao ai đó không làm ra loại hương vừa ít khói lại thơm mà không dùng hóa chất?!", Ngọc Anh chia sẻ về ý tưởng ra đời của thương hiệu nhang Liên Tâm.
Neo vào ý tưởng đó, trong năm cuối đại học, Ngọc Anh và các bạn đã nghiên cứu để thực hiện dự án "Nhang sen Liên Tâm" để tham gia cuộc thi khởi nghiệp "Tài năng Lương Văn Can" do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức và sau đó dự án đã đoạt giải nhì. Hành trình khởi nghiệp của Ngọc Anh cũng bắt đầu từ đó.
Trong những ngày về quê nhà ở xã Mỹ Tân – thành phố Cao Lãnh để thực hiện đề tài dự thi, Ngọc Anh hoàn toàn bị ý tưởng "ra trường về quê khởi nghiệp" thay vì "ra trường chạy chọt tìm việc làm" chinh phục. Bởi, sau khi nói ý tưởng của mình, Ngọc Anh được mọi người toàn lực ủng hộ - từ chính quyền địa phương, những anh chị khởi nghiệp đi trước hay ngay cả ba mẹ của Ngọc Anh.
Đó là lý do, sau khi ra trường rồi vào một công ty khởi nghiệp làm một năm để học tập kinh nghiệm, Ngọc Anh cùng các đồng sự của mình đã quyết định quay trở lại quê nhà Đồng Tháp để bắt đầu chính thức khởi nghiệp với nhang sạch có thương hiệu Liên Tâm, chính thức đưa đề án giúp mình đạt giải ra ngoài cuộc sống.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tuyệt vời của Đồng Tháp
Cũng theo chia sẻ của Ngọc Anh, một trong những nguyên do khiến cô mạnh dạn về quê khởi nghiệp là bởi Đồng Tháp có một hệ sinh thái khởi nghiệp hết sức ‘xịn xò’.
Như nhiều nhà khởi nghiệp ở các tỉnh thành khác, Ngọc Anh và các nhà đồng sáng lập phải tự bỏ vốn và thực hiện các nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm. Còn hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Tháp chịu trách nhiệm hỗ trợ Ngọc Anh và Liên Tâm hai hoạt động quan trọng nhưng thường là điểm yếu của các startup: kinh nghiệp và làm marketing – PR.
Với việc có rất nhiều anh chị đi trước đã nhẵn mặt trong giới khởi nghiệp Việt Nam cũng như rất rành rẽ về nghề sen, về thị trường hoặc sản phẩm liên quan đến sen…; Liên Tâm học tập được rất nhiều kinh nghiệm hay khi nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Cô cũng được những người đi trước cho rất nhiều lời khuyên bổ ích về nhiều khía cạnh hoạt động, thực hiện khi khởi nghiệp.
Ngoài ra, kể từ khi Ngọc Anh chính thức về Đồng Tháp khởi nghiệp, cô được mọi người ở đây ‘o bế’ rất nhiều. Ít nhất, chúng tôi thấy cô cùng Liên Tâm xuất hiện rất nhiều lần cùng các startup khác trong các bản tin khởi nghiệp và một bản tin riêng dài gần 10 phút trên Đài truyền hình Đồng Tháp. Ngoài ra, cô còn được mời lên nói chuyện trên đài truyền hình này trong một chương trình chia sẻ về khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn tạo điều kiện để Liên Tâm tham gia các buổi kết nối với các thành phần khác như nhà đầu tư, doanh nhân thành đạt hoặc giới thiệu đến những hội chợ như Phiên Chợ Xanh Tử Tế để Liên Tâm có thể tiếp cận gần hơn với khách hàng, làm dày thêm các mối quan hệ có thể cần thiết sau này.
"Thuận lợi lớn nhất của Liên Tâm khi khởi nghiệp ở Đồng Tháp là nguyên liệu dồi dào, dễ tìm cũng như được sự ủng hộ động viên của tất cả người dân, chính quyền cũng như người yêu thích sen. Khó khăn lớn nhất là dùng bột sen để làm nhang khó hơn bột gỗ hoặc bột quế, vì bột sen nhạy cảm với độ ẩm nên rất dễ ẩm và dễ mốc. Chưa nói, do không dùng thêm bất cứ hóa chất hay sản phẩm công nghiệp nào, mà chúng tôi chỉ dùng bột sen + nhựa cây bời lời + tăm tre + bột quýt/tràm/bạch đàn để làm nhang, nên khả năng nứt gãy của nhang thành phẩm rất cao. Thế nên, hiện tại, chúng tôi vẫn phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, để sản phẩm hoàn thiện có tỷ lệ lỗi thấp hơn", Ngọc Anh kể.
Thường người tiêu dùng quen với nhang quế và nhang trầm, nên họ hay hoài nghi khi nghe đến nhang làm từ các vật liệu khác, vì thế Liên Tâm thường khuyến khích khách hàng dùng thử rồi sau đó mới bán hàng. Hơn nữa, khi nghe nhang sen từ Đồng Tháp, người tiêu dùng sẽ tin ngay mùi sen mà mình ngửi thấy là từ bột sen thật chứ không phải hương liệu, bởi họ biết Đồng Tháp có rất nhiều sen.
Việc là một thương hiệu địa phương có sản phẩm bảo vệ môi trường và sen liên kết với tin ngưỡng của người Việt; đã giúp ích rất nhiều cho Liên Tâm trong việc chinh phục người tiêu dùng hơn, ngoài sự độc đáo của sản phẩm.
Cuối cùng, Ngọc Anh còn có sự ủng hộ toàn lực của gia đình, điều mà không phải khởi nghiệp nào cũng có được, nhất là những người khởi nghiệp còn quá trẻ, ngay sau khi vừa rời ghế nhà trường, như Ngọc Anh.
Các loại nhang khác nhau của Liên Tâm
Sẽ làm một hệ sinh thái với các sản phẩm về sen, nhưng sẽ tránh những sản phẩm mà các anh chị đi trước đã làm
"Liên Tâm không phải là dòng nhang sạch duy nhất trên thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng biết có rất nhiều dòng nhanh sạch khác làm từ cây quế, tràm hoặc bột gỗ; nhưng nhang làm từ bột sen cũng có những ưu điểm cạnh tranh nhất định. Ví dụ: sen làm từ bột sen rất ít khói so với những dòng nhang sạch khác, rất thích hợp cho nhà chung cư – không gian hẹp và có hệ thống báo cháy nhạy cảm ở các thành phố lớn. Hương sen thoang thoảng dễ chịu, phù hợp với những người thích những hương thơm nhẹ - thanh khiết – nhẹ nhàng. Hoặc nếu khi trộn thêm bột quế/bạch đàn/tràm, hương sen sẽ không lấn át mùi hương mới mà sẽ cộng hưởng để cho ra một mùi hương độc đáo", Ngọc Anh nói về những ưu điểm của nhang Liên Tâm.
Thế nên, theo Ngọc Anh, dù cô vẫn chưa thu hồi được vốn từ dự án này, nhưng sản phẩm làm ra đã tiêu thụ hết và có lời trên từng sản phẩm.
Dù đã có những thành công ban đầu, nhưng Ngọc Anh không hề ‘ngủ quên trên chiến thắng’. Cô thừa biết sản phẩm của mình dù độc đáo, nhưng cũng không phải là loại nhang sạch ‘organic’ 100% trên thị trường, hơn nữa mô hình sản xuất không khó để copy; thế nên, mục tiêu trong tương lai gần của cô là nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa, còn trong tương lai xa là phát triển hẳn một hệ sinh thái sản phẩm chuyên về sen.
"Liên Tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường để cho ra đời những dòng nhang phù hợp với từng phân khúc thị trường mà chúng tôi nhắm tới. Ví dụ: người dân ở các thành phố thích nhang ngắn, còn người ở vùng nông thôn thích nhang dài. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu thêm nhiều dòng hương có hương thơm mới, ngoài 4 loại mà chúng tôi đang có. Tất nhiên, tiêu chuẩn hoàn toàn tự nhiên vẫn sẽ được đảm bảo. Còn trong tương lai xa, Liên Tâm muốn xây dựng một hệ sản phẩm liên quan đến sen, có thể làm từ nguyên liệu hạt sen, hoa sen, thân sen, củ sen… Tuy nhiên, chắc chắn một điều, là những sản phẩm của Liên Tâm sẽ mới và không trùng với những sản phẩm từ sen mà các anh chị đi trước đã làm", Ngọc Anh khẳng định.
* Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/startup-lien-tam-voi-san-pham-nhang-organic-lam-tu-phe-pham-sen-khoi-nghiep-gian-di-20200124105135083.chn