KHOA KINH TẾ ĐỐI NGOẠI RÀ SOÁT CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2021-2025, TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2024

Khoa Kinh tế đối ngoại rà soát chiến lược giai đoạn 2021-2025, triển khai kế hoạch năm 2024

 

Ngày 14-15/01/2024, Khoa Kinh tế đối ngoại đã tổ chức Hội nghị tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm rà soát kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, triển khai kế hoạch năm 2024.

 

Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Lê Tuấn Lộc – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng, TS Hoàng Lâm Cường – Trưởng Khoa, cùng toàn thể giảng viên, viên chức của Khoa Kinh tế đối ngoại. 

 

PGS TS Lê Tuấn Lộc – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS TS Hoàng Công Gia Khánh – Phó bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường tham dự hội nghị với Khoa Kinh Tế Đối Ngoại

 

Trong năm 2023, Khoa Kinh tế đối ngoại đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, … và đạt những kết quả nổi bật, cụ thể: mở chương trình đào tạo (CTĐT) đại học Kinh doanh quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tuyển sinh sau đại học đạt 96% chỉ tiêu, kiểm định CTĐT Kinh doanh quốc tế (theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT) đạt kết quả cao, triển khai đúng tiến độ kiểm định CTĐT Kinh tế quốc tế (theo bộ tiêu chuẩn kiểm định FIBAA), thực hiện 43 đề tài/công bố nghiên cứu (trong đó có 17 bài báo quốc tế). Tuy nhiên, một số chỉ tiêu (KPIs) chưa đạt như kỳ vọng, như: tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tỷ lệ tiến sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh, tỷ lệ lan toả công bố quốc tế. Chủ trì và triển khai rà soát kế hoạch chiến lược của Khoa giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai công tác năm 2024, TS Hoàng Lâm Cường gợi mở các nhiệm vụ trọng tâm cần sự tập trung, đầu tư nguồn lực của tập thể nhân sự.

 

 

Tiến sĩ Hoàng Lâm Cường - Trưởng khoa KTĐN chủ trì hội thảo

 

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của giảng viên, viên chức của Khoa thảo luận, góp ý nhằm giúp tăng quy mô và chất lượng đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo mới, nâng cao chất lượng chăm sóc người học và cựu người học, tập trung đầu tư khi chuyển đổi các ngành, môn giảng dạy. PGS.TS Lê Tuấn Lộc đề xuất Khoa cần tăng cường kết nối doanh nghiệp, quan tâm hoạt động kết nối cựu sinh viên và phát huy truyền thống của đơn vị cùng với sự phát triển chung của UEL. Nhiều ý kiến đề nghị Khoa cần rà soát kế hoạch mở các CTĐT trình độ đại học (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, liên kết quốc tế), thạc sĩ, tiến sĩ.

 

 

Thầy cô trong Khoa KTĐN phát biểu ý kiến xây dựng kế hoạch năm 2024

 

Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Hiệu trưởng, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh góp ý và kỳ vọng Khoa 4 nhiệm vụ:

(1) Dự báo xu hướng thay đổi của các ngành, lĩnh vực đang đào tạo để xây dựng kế hoạch điều chỉnh, xây dựng vị thế cạnh tranh và khác biệt các CTĐT của Kinh tế đối ngoại trong tuyển sinh, đào tạo.

(2) Hình thành rõ đội ngũ chuyên gia tư vấn của Khoa tham gia các chủ đề phản biện xã hội, xây dựng chính sách trong kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế

(3) Rà soát, tái cấu trúc toàn diện CTĐT, chú ý gia tăng yếu tố công nghệ, số hoá vào CTĐT. Việc phát triển CTĐT mới phải xác định yếu tố khác biệt của UEL so với mặt bằng chung. Đồng thời, xem xét điều chỉnh tên CTĐT sau đại học

(4) Thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao và có chuyên môn sâu. Với việc đào tạo các CTĐT hội nhập quốc tế cao, yêu cầu giảng viên của Khoa phải chủ động, cập nhật tức thời các vấn đề diễn ra trên thế giới và am hiểu thực tế.

 

Thay mặt Ban chủ nhiệm Khoa, TS Hoàng Lâm Cường cám ơn và ghi nhận tất cả các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo Trường và thầy, cô tham dự Hội nghị. TS Hoàng Lâm Cường mong rằng trong năm 2024, tập thể giảng viên và viên chức Khoa Kinh tế đối ngoại đoàn kết, đồng lòng thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu giao kết. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 của Khoa.